Âm Nhạc

Nghệ sĩ violin Hoàng Rob: Sau 'Hừng đông' là… nắng lên và giương buồm!

Nguyễn Nguyễn
Chia sẻ

Lần đầu tiên, giải Cống Hiến mùa thứ 12 ghi nhận một trường hợp độc tấu nhạc cụ tại hạng mục “Nghệ sĩ mới của năm”, ngay khi “kẻ ngoại đạo” vừa trải qua một năm 2016 đáng nhớ cùng cây vỹ cầm phiêu lãng...

Ít nhất, đã có được sản phẩm để đối thoại

- Hoàng Rob - Cái tên đến nay đã không còn xa lạ, dù là một người trẻ mới đến. “Nghệ sĩ mới của năm” theo anh đã là một đề cử vừa vặn với mình?

- Tôi tin đó là một đề cử xứng đáng với một năm hoạt động nghệ thuật đầy nỗ lực của mình: Tổ chức live concert Hừng đông và ra mắt album cùng tên. Song song là chạy show như con thoi giữa TP HCM - Hà Nội. Tôi chưa dám nói sản phẩm của mình đã đủ thu phục hay chưa, nhưng ít nhất, đã là nghệ sĩ thì câu trả lời thuyết phục nhất chắc chắn vẫn phải là sản phẩm. Có sản phẩm rồi thì mình mới có thể đối thoại và kết nối được với bạn nghề, nhất là các bậc đàn anh đàn chị.

Live concert và album Hừng đông nhận được sự đồng hành của các nghệ sĩ nổi tiếng (đạo diễn Cao Trung Hiếu, nhà sản xuất - nhạc sĩ Khắc Hưng, ca sĩ Trần Thu Hà, Thu Phương, Hoàng Quyên, ca nương Kiều Anh, nghệ sỹ múa Linh Nga…), đấy hẳn cũng là một cái duyên không dễ gì có được, với một người mới đến, ít nhiều là “ngoại đạo” và trưởng thành bằng con đường tự học như tôi. Đam mê sẽ kết nối được đam mê, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Tôi may mắn sớm nhận được điều đó.

Tuy nhiên nếu được chọn, tôi mong mình được đề cử ở hạng mục Album của năm hơn, vì đó còn là sự thừa nhận chung cho ê-kíp, đặc biệt là nhạc sĩ Khắc Hưng. Không có những bản nhạc được anh ấy tâm huyết viết riêng cho tôi, sẽ không thể có CD và live concert Hừng đông để đưa cái tên Hoàng Rob đến được gần hơn với rộng dài khán giả.

- Bước sang mùa giải thứ 12, Cống Hiến lần đầu tiên ghi nhận không chỉ 1 mà là 2 trường hợp độc tấu nhạc cụ: Hoàng Rob và Trần Mạnh Tuấn (hạng mục Album của năm và Nhạc sĩ của năm). Đứng cạnh cái tên gạo cội đó, dù không cùng hạng mục, anh có run?

- Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn là một nhân vật “lão làng” trong nghề rồi, chỉ có thể nói hai từ “kính trọng”. Tuy nhiên, Nghệ sĩ mới của năm theo tôi vốn dĩ cũng đã là một hạng mục ít áp lực nhất trong bảng đề cử và hẳn là vừa vặn với một người mới đến, là sự ghi nhận những nỗ lực của người mới ấy, trong vòng một năm qua…

- Bên cạnh những cái tên gạo cội hay loạt sản phẩm công phu, dày dặn, Cống Hiến đồng thời cũng nhanh tay ghi nhận những hiện tượng mạng, các bản hit nổi lên “sau chỉ một đêm”… Quan điểm của anh?

- Đã đành, sáng tạo đôi lúc là chuyện thăng hoa, khoảnh khắc, nhưng nghệ thuật theo như tôi biết, hẳn vẫn là câu chuyện của sự bền bỉ. Bản hit không thôi chưa đủ, vì quá trình, theo tôi vẫn quan trọng hơn khoảnh khắc, “lúc đó” chưa quan trọng bằng “trước đó” và “sau đó”, một sản phẩm dày công vẫn đáng được ghi nhận hơn một sản phẩm đơn lẻ và gần với danh xưng “Cống hiến” hơn, dù có thể chỉ mới là dấu ấn của một năm… Ít ra cũng phải là đơn vị “năm” chứ không thể là đơn vị “tháng” hay “đêm”… tôi cho là thế.

Cần tranh thủ lúc mình nhiều năng lượng nhất

- Nghe nói anh sắp sửa đưa live concert Hừng đông Nam tiến?

- Lúc đầu, tôi định là tháng 4, nhưng chắc phải lùi sang tháng 5 để chuẩn bị kỹ càng nhất có thể và có được kết quả ưng ý hơn so với lần tổ chức trước ở Hà Nội (tháng 12/2016). Để chinh phục khán giả TP HCM, show lần tới chắc sẽ phải thay đổi màu sắc, cùng một số khách mời, ca khúc… chắc phải “đương thời” hơn một chút!

- Sau “Hừng đông”, là gì?

- Là… nắng lên và giương buồm, hy vọng thế! (Cười). Nếu không có gì thay đổi, trong năm nay, tôi sẽ hợp tác với một nhà sản xuất nước ngoài để thực hiện một đĩa nhạc kết hợp âm nhạc dân gian Việt Nam và nhạc EDM, phát hành cả ở nước ngoài.

- Có tham vọng quá không, với một “kẻ ngoại đạo”?

- Đến giờ này thì tôi không còn coi mình là một kẻ ngoại đạo nữa và chắc là những khán giả yêu mến tôi cũng sẽ không nghĩ thế. Cách đây 1-2 năm thì đó có thể là một giấc mơ quá lớn, nhưng giờ thì không. Tôi cũng không gọi giấc mơ ấy của mình là một tham vọng mà chỉ đơn giản là cần tranh thủ lúc mình đang có nhiều năng lượng nhất mà thôi. Nếu chỉ quanh quẩn “xô-chậu” và hợp đồng quảng cáo không thôi thì e là sẽ không thể giúp tôi giải phóng được bằng hết nguồn năng lượng đang có, để còn tái tạo nguồn năng lượng mới.

Tài sản đáng giá nhất cho một nghệ sĩ là gì, nếu không phải là năng lượng sáng tạo, và mỗi một ngày qua đi, công việc của chủ thể sáng tạo ấy là cố gắng bóc đi một lớp vỏ ở mình, để đến gần hơn, chạm sâu hơn vào lớp lõi trong cùng. Sau mỗi chặng hành trình và mỗi một lần “lột vỏ”, điều giá trị nhất với tôi không phải là mình đã được gì mà là mình có thể làm tiếp được gì.

- “Âm nhạc trong thang máy” là từ để “kết tội” mấy người (kể cả các tên tuổi lớn) có gan “đại chúng hóa” thứ âm nhạc phát ra từ các nhạc cụ cổ điển đòi hỏi cao sự khổ luyện. Có chút tự ti nào trong anh không, khi khó mà nhận được cái gật đầu tán thưởng của những người ở “cửa trên”?

- Chinh phục những người có chuyên môn, được bạn nghề thừa nhận… bao giờ cũng là cột mốc quan trọng và là cái đích cao đẹp của một người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, cái đích mà một nghệ sĩ trẻ như tôi quan trọng nhất và muốn hướng đến nhất vẫn luôn là khán giả. Câu hỏi mà tôi muốn giải mã nhất luôn là khán giả trẻ cần gì ở mình.

Điều tôi muốn làm nhất với cây vỹ cầm của mình là đưa nó đến được gần nhất có thể với rộng rãi công chúng, bằng những phép kết hợp khôn khéo, không bị trói buộc, “cầm tù” bởi rào cản định kiến, chuẩn mực. Vì đã chắc gì, phải cũ mới sang, và mới thì sẽ không sang?

Người cũ có quyền tự hào về những di sản của họ, thì người mới cũng có quyền được nói lên tiếng nói của thế hệ họ. Tất nhiên, cũng có những người trẻ muốn quay về nâng niu những thứ cũ xưa và khao khát được là người tiếp lửa, nhưng có thể mình không phải là người đó. Âm nhạc và nghệ thuật nói chung, đúng hay không, chỉ có người nghệ sĩ đó biết, khán giả của họ biết mà thôi, còn những ý kiến bên ngoài chỉ là một kênh tham khảo, chứ không thể quyết định và chi phối con đường đã được vạch sẵn của mình.

Đừng quên, “âm nhạc trong thang máy”, mà là thang máy của những tòa thương mại cao cấp thì cũng là ra vấn đề lắm đấy!

- Đã là lúc “sờ” được thị hiếu của khán giả?

- Có vẻ như là đã bắt đầu “sờ” được, nhưng “túm” được hay không thì chưa biết (cười). Nhưng nói chung là cứ phải chủ động thôi, chứ làm nghệ thuật mà cứ ngồi chờ mọi thứ đến thì bao giờ?

- Xin cảm ơn Hoàng Rob về cuộc trò chuyện, chúc bạn ngày càng thành công hơn!

Chia sẻ

Bài viết

Nguyễn Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất