Thể thao

Mayweather - Mình thích thì mình thắng thôi!

Quang Vinh
Chia sẻ

Sau khi lịch sự “nhường khách” ở 3 hiệp đầu tiên, Floyd Mayweather đã không để cho McGregor một lối thoát nào cả...

Diễn biến trận quyền anh giữa Mayweather và McGregor.

Rốt cuộc, trận đấu được nhiều người mong chờ nhất suốt hai năm qua giữa võ sĩ quyền anh Floyd Mayweather và võ sĩ MMA Connor McGregor đã kết thúc với phần thắng thuộc về võ sĩ quyền anh. Sau khi lịch sự “nhường khách” ở 3 hiệp đầu tiên, Floyd Mayweather đã không để cho McGregor một lối thoát nào cả. McGregor bị nốc-ao ở đầu hiệp thứ 10, đó cũng là tử tế lắm rồi.

McGregor chỉ chịu được “nhiệt” cho tới hiệp thi đấu thứ 10, trước khi trọng tài tuyên bố phần thắng dành cho Mayweather.

Với tư cách là một khán giả, tôi không thấy thích thú khi xem Mayweather ở trận đấu này, ít nhất là kể từ hiệp đấu thứ 4 trở đi. Ở 3 hiệp đầu, những kỹ thuật rút vai né đòn và phản đòn, thường được gọi là Philly Shell, Shoulder Roll, Pull Counter - là những kỹ thuật đã làm nên tên tuổi Mayweather - đã được võ sĩ này thể hiện một chút.

Nói như vậy là vì khi chỉ thể hiện những kỹ thuật ấy một cách sơ sài, tính hiệu quả sẽ giảm xuống, bằng chứng là Mayweather lập tức bị McGregor tận dụng sải tay dài hơn và tốc độ ra đòn nhanh để thực hiện nhiều cú chọc thẳng vào mặt, thậm chí Mayweather còn dính một cú móc vào hàm phải - điều hiếm khi xảy ra trong hầu như suốt sự nghiệp của võ sĩ này.

Mayweather bị đối thủ “tay ngang” áp đảo trong 3 hiệp đầu.

Tuy nhiên khi bước sang hiệp thứ 4 cho đến cuối trận, Mayweather bỗng biến thành một con người khác, với lối đánh tấn công vũ bão. Trời ạ, giá mà anh thể hiện lối đánh ấy khi gặp các võ sĩ như Manny Pacquiao hay Oscar De La Hoya. Dĩ nhiên đó là một giả thiết tồi nếu xét về chuyên môn, bởi Mayweather có điên mới chọn lối đánh tấn công vốn không phải là sở trường của mình. Nhưng Mayweather đã chọn lối đánh sở đoản, đơn giản là vì tính chất của trận đấu này. Đó không thực sự là một trận quyền anh.

Màn so găng giữa 2 võ sĩ chỉ được đánh giá cao ở khâu PR.

Tổ trọng tài 3 người của trận đấu Mayweather và McGregor được trả thù lao 20.000 đô la mỗi người, một con số quá bèo so với hàng trăm triệu đô la mà mỗi võ sĩ nhận được sau trận đấu, mặc dù so với mặt bằng giá thì mức thù lao nói trên thực ra là hậu hĩnh, bởi trọng tài bắt những trận quyền anh “khủng” của Mike Tyson hay của chính Mayweather cũng chỉ được trả chưa đến 10.000 đô la. Có điều không ai biết được những người tổ chức trận đấu này sẽ bỏ túi bao nhiêu tiền. Con số ấy hẳn là lớn lắm, và xứng đáng thôi. Bởi chỉ những cái đầu cáo già và cực kỳ lọc lõi trong kinh doanh thể thao mới có thể nghĩ và hiện thực hóa một ý tưởng kỳ lạ đến thế.

Khi ý tưởng trận đấu giữa Mayweather và McGregor được giới thiệu, giới chuyên môn trong cả hai lĩnh vực quyền anh và MMA đều nhất loại… cười khỉnh vì biết trước được kết cục trận đấu nếu nó xảy ra. Mike Tyson nói thẳng toẹt : “McGregor không đủ trình chơi quyền anh chuyên nghiệp”, còn tay đấm Lennox Lewis, nhà vô địch 2 đai WBC và IBF thậm chí cho biết sẽ không xem trận đấu vì “nó quá nhố nhăng”.

Nhiều chuyên gia đánh giá màn đọ sức giữa Mayweather và McGregor là “lố lăng”.

Nói “nhố nhăng” thì kể cũng hơi nặng lời, song các điều khoản ở trận đấu này cho thấy McGregor phải “chấp” đối thủ quá nhiều. McGregor phải đánh quyền anh theo luật quyền anh, nghĩa là chỉ được dùng đòn tay theo kiểu quyền anh trong một trận đấu kéo dài 12 hiệp. Khi cỗ máy tuyên truyền của ban tổ chức bắt đầu khởi động, một cơn bão truyền thông đã “viral” ý tưởng tới toàn thế giới về một người hùng MMA “rất có thể” sẽ làm nên điều kỳ diệu trên sân đấu quyền anh.

Nếu ai cũng sống bằng lý trí, có lẽ con người đã xây nhà trên Sao Hỏa từ lâu. Nhưng bởi con tim lại có tiếng nói rất mạnh mẽ nên hàng triệu khán giả trên toàn cầu sẵn lòng tin rằng McGregor có thể lật đổ Mayweather trên sân quyền anh. Họ chìm đắm vào cơn mơ màu hồng cùng các con số, đồ họa, phân tích của chuyên gia cho thấy McGregor có cú overhand nặng tới 400kg, ngang với một cây búa 5kg được vụt với tốc độ gần 40km/giờ, hay cú đánh superman punch được võ sĩ người Ireland tung ra bằng sức mạnh của toàn bộ trọng lượng cơ thể.

Ồ, điều đó là thực. Thông tin bị lờ đi là để có những đòn đánh quyết định như vậy, đối thủ trên sàn UFC dính đủ các đòn đánh khác của McGregor, những đòn đá low kick, những pha khóa siết…, và McGregor chỉ thực hiện chúng ở các trận đấu kéo dài có 5 hiệp. Ở trận gặp Mayweather, khi sang tới hiệp đấu thứ 7, có thể thấy McGregor vung tay đánh những cú “không thể làm đau một con ruồi”. Và thất bại chỉ còn là vấn đề thời gian.

Bàn về chuyên môn trong trận đấu Mayweather vs McGregor, vì thế trở nên vô nghĩa. Đây là một trận đấu đúng như tên gọi “trận đấu tỷ đô” nhưng không phải trận quyền anh vĩ đại, kinh điển, cũng chẳng thể so sánh một cách công bằng khi võ sĩ MMA bị cấm gần hết những đòn đánh quan trọng nhất của trường phái mà anh ta đã tạo nên tên tuổi.

Nhưng điều đó có lẽ sẽ chẳng có ý nghĩa gì với hai võ sĩ. Ngày mai, Mayweather có thể sẽ mua thêm một siêu xe LaFerrari để làm bạn với chiếc Bugatti Chiron mới tậu, còn McGregor hẳn sắm thêm du thuyền để rong chơi với cô bạn gái Dee Devlin. Dù gì thì McGregor đã đăng ký đánh UFC trở lại trong năm nay, còn Mayweather sau trận đấu này đã một lần nữa tuyên bố giã từ sự nghiệp (cho đến khi lại có một võ sĩ không-phải-võ-sĩ-quyền-anh nào đó thách đấu chăng).

Thua trận, McGregor vẫn tổ chức tiệc linh đình để… chia vui cùng các fan.

Cuộc sống là thế, vẫn cứ phải tiếp diễn thôi. Câu hỏi dành cho bạn là : Bạn có biết vì sao các nhà tổ chức chẳng mấy hứng thú làm điều ngược lại, nghĩa là cho trận đấu diễn ra ở lồng UFC, với đòn đánh MMA hay không?

Chia sẻ

Bài viết

Quang Vinh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất